Những lý luận ủng hộ tập quyền hoàn toàn Định_lý_phân_quyền

Ủng hộ tập quyền hoàn toàn gồm các lý lẽ sau.

Thứ nhất, ổn định kinh tế vĩ mô là chức năng mà chỉ có chính quyền trung ương mới đủ khả năng gánh vác. Việc duy trì mức giá cả ổn định và thất nghiệp thấp không thể thiếu sự quản lý của chính quyền trung ương. Nếu giao trách nhiệm này cho các chính quyền địa phương, thì họ sẽ có xu hướng phát hành tiền bừa bãi nếu gặp phải thời kỳ kinh tế khó khăn, cho nên sẽ gây ra lạm phát. Hơn nữa, nếu để chính quyền địa phương thực hiện các chính sách tài chính, thì phạm vi hiệu lực của chính sách tài chính sẽ rất hạn chế, bởi vì địa phương nhỏ thì số nhân tài chính nhỏ và các lợi ích kinh tế có thể rò rỉ sang địa phương khác. Còn nếu phát hành trái phiếu bù đắp thâm hụt tài chính theo chủ trương của John Meynard Keynes thì đối tượng huy động mua trái phiếu có thể bao gồm cả người của các địa phương khác, nên khi trả lãi trái phiếu sẽ có hiện tượng thu nhập của địa phương này lại chạy sang địa phương khác.

Thứ hai, phân bổ nguồn lực (cung ứng hàng hóa công cộng) cũng là chức năng mà chính quyền trung ương phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm cung ứng những hàng hóa công cộng như quốc phòng không thể trao cho các chính quyền địa phương gánh vác được.

Thứ ba, phân phối thu nhập không nên giao cho các chính quyền địa phương. Nếu không, ở những địa phương đặt thuế suất thu nhập lũy tiến cao, những người giàu sẽ rời đi, còn những người nghèo thì lại xin vào cư trú. Kết quả là, dù chính quyền địa phương có thực hiện được trách nhiệm phân phối bình đẳng trong địa bàn quản lý của mình, thì mức thu nhập bình quân của địa phương này cũng bị giảm. Cho nên, chức năng phân phối thu nhập phải là chức năng của chính quyền trung ương.